Đẩy nhanh dự án dữ liệu đất đai

Không cầu toàn trong triển khai xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các địa phương tiên phong, nỗ lực, lấy kết quả giai đoạn trước để làm kinh nghiệm, đồng thời gấp rút thúc đẩy các bước để đạt tiến độ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các địa phương tập trung, gấp rút triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2. Ảnh: T.C
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các địa phương tập trung, gấp rút triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2. 

Chậm triển khai

Năm 2011, Quảng Nam triển khai dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 1 tại các xã thuộc các huyện, thành phố Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Tam Kỳ (thuộc vùng Đông của tỉnh, các địa bàn khác chưa triển khai thực hiện) và kết thúc giai đoạn 1 đến ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, nhìn nhận kết quả của giai đoạn 1, đại diện Sở TN-MT cho rằng tiến độ còn khá chậm so với mục tiêu đề ra.

Báo cáo của đơn vị này cho hay, giai đoạn từ năm 2011 - 2015, dự án triển khai đo đạc, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất tại TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành có hơn 129.000 hồ sơ kê khai đăng ký; trong đó cấp mới hơn 44.000 hồ sơ, cấp đổi hơn 82.000 hồ sơ, với hơn 25.000 giấy CNQSD đất.

Giai đoạn 2016 – 2017, một số địa phương thuộc Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên tiếp tục triển khai với hơn 59.000 hồ sơ kê khai đăng ký, trong đó cấp mới hơn 14.000 hồ sơ, cấp đổi hơn 44.000 hồ sơ, ký hơn 49.000 giấy CNQSD đất.

Theo Sở TN-MT, tiến độ bàn giao giấy CNQSD đất đến nhân dân chưa hoàn thành do liên quan đến thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số giấy CNQSD đất đang thế chấp ở ngân hàng và người dân không đến nhận giấy CNQSD đất bởi không đồng thuận liên quan đến đất thổ cư.

Về quản lý hồ sơ địa chính, chỉ có 5 địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu gồm Tam Kỳ, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên và Núi Thành. Chỉ có 48/241 xã tạo sổ địa chính trên phần mềm cơ sở dữ liệu, gồm toàn bộ các xã của Tam Kỳ và Núi Thành, 2 xã thuộc Duy Xuyên, 9 xã thuộc Thăng Bình và 1 thị trấn thuộc Quế Sơn, với tổng số hơn 639.000 thửa đất.

Nhiều địa phương ở vùng Đông vẫn gặp khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Ảnh: T.C
Nhiều địa phương ở vùng Đông vẫn gặp khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. 

“Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2015 và sau năm 2015, dự án kết thúc vào năm 2020. Trong đó giao Sở TN-MT làm chủ đầu tư, tổ chức thực hiện, kiểm tra tiến độ và nghiệm thu sản phẩm.

Tuy nhiên hiện nay tiến độ thực hiện dự án mới đạt 48/241 xã, phường, thị trấn, chậm so với yêu cầu đề ra. Giai đoạn 2 (từ 2022 đến 2025), phải thực hiện tất cả hạng mục từ khảo sát thiết kế, lập dự toán công trình đến giao nộp sản phẩm cuối cùng tại 13 huyện, thị xã, thành phố và các xã còn lại của các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn” - ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Sở TN-MT cho biết.

Hiện có đến 7 địa phương gồm Tiên Phước, Nam Giang, Nam Trà My, Hiệp Đức, Phú Ninh, Tây Giang, Đông Giang mới chỉ tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn để lựa chọn nhà thầu, đấu thầu, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán.

Tập trung thực hiện

Ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói, việc xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai sẽ giúp người dân hưởng lợi lớn, do giảm chi phí đo, trích lục trong quá trình xác lập hồ sơ. Đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Cơ sở dữ liệu giúp ích rất lớn trong việc xác định bố trí tái định cư khi tra cứu đất ở nơi khác của các hộ dân bị ảnh hưởng, mang lại lợi ích rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình xác lập bản đồ đo đạc, giữa đơn vị tư vấn và cán bộ địa chính chưa khớp về thông tin nên cần có sự phối hợp, thống nhất” - ông Dân nói.

Ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai có lợi ích rất lớn cho cả người dân lẫn phía chính quyền. Ảnh: T.C
Ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai có lợi ích rất lớn cho cả người dân lẫn phía chính quyền. 

Ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết địa phương đang làm việc để nâng cấp, bổ sung trường dữ liệu đáp ứng các yêu cầu trong tương lai, chia sẻ với các ngành khác. Tam Kỳ đã kết nối dữ liệu này với cơ quan thuế, nghiên cứu chuyển về một chương trình mới phục vụ trực tiếp cho quản lý, dễ dàng kiểm tra, nắm bắt cơ sở dữ liệu.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai cũng đã được các địa phương đề cập. Trong đó, vướng mắc lớn nhất vẫn là khó tìm kiếm đơn vị tư vấn thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Minh Lý – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, địa phương rất muốn triển khai sớm dự án sau giai đoạn 1, song vẫn loay hoay tìm kiếm đơn vị tư vấn. Với những khó khăn hiện tại, mục tiêu trong năm 2024 triển khai xong dự án này ở 13 xã phường là khá khó khăn, cần có những hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện. Đây cũng là khó khăn chung của một số địa phương khác như Thăng Bình, Duy Xuyên...

Lắng nghe tình hình triển khai, các vướng mắc, kiến nghị của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, các địa phương không cầu toàn, nên tích cực triển khai từng bước, lấy kết quả giai đoạn trước làm kinh nghiệm cho giai đoạn sau.

“Đối với những khó khăn về đơn vị tư vấn, địa phương cần chủ động xem xét, lựa chọn các đơn vị tư vấn theo nhiều khía cạnh, phân kỳ giai đoạn ngắn, triển khai từ 1 - 2 xã để có sự chủ động về nguồn vốn đầu tư, thuận lợi trong lựa chọn đơn vị tư vấn. Trước mắt, phải phấn đấu toàn tỉnh hoàn thành việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai trước tháng 6/2024” - ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

Nguồn: Baoquangnam.vn

TIN TỨC MỚI NHẤT

Địa chỉ: 127 Bùi Trang Chước, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng

Điên thoại: 0939 915 179

Email: batdongsanxuanphu@gmail.com

© Bản quyền thuộc về Cty Xuân Phú