Thông tin này được Bộ Tài chính nêu khi triển khai quy định tại Luật Đất đai 2024 liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Ngày 10/12, tại TP.Hội An diễn ra hội thảo tham vấn quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và lãnh đạo UBND TP.Hội An, Sở Xây dựng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành từng gắn bó với quá trình bảo tồn, phát triển của đô thị cổ Hội An.
Giải quyết các thách thức
Mục tiêu chiến lược của Hội An đến năm 2025 là phát triển thành phố trở thành đô thị loại 2 thuộc cụm đô thị động lực số 1 của tỉnh. Tầm nhìn chiến lược của thành phố là xây dựng Hội An trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch, mang tầm vóc quốc tế, hài hòa và thống nhất về các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường để nâng cao niềm tự hào về Hội An.
Định hướng đến năm 2035, với quỹ đất hạn chế và yêu cầu về việc lưu trữ các giá trị đặc trưng, Hội An được đề xuất phát triển đô thị chủ yếu về phía tây. Tầm nhìn đến năm 2050, đề xuất mở rộng đô thị ra vùng phụ cận, nhất là về hướng nam để giữ cân bằng trong sự phát triển của thành phố.
Nghiên cứu của liên danh tư vấn đồ án quy hoạch cho thấy, giai đoạn từ 2004 - 2021, mặc dù không gian của thành phố được bảo tồn tương đối tốt nhưng mật độ dân số trong các khu vực lõi đô thị đã tăng rất nhanh.
Theo đại diện Công ty AREP (đại diện liên danh tư vấn đồ án quy hoạch), các vấn đề quan trọng nhất trong 30 năm tiếp theo mà Hội An phải hành động bao gồm: bảo vệ, tái tạo rừng ngập mặn; có quy định quản lý, không gian xây dựng trên bộ, nhất là với đường bờ biển; nâng cao giá trị cảnh quan và khôi phục liên kết các dòng sông cũng như bảo vệ đường bờ sông; cân đối sự phát triển du lịch với các ngành kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn mà Hội An phải đối mặt trong những thập niên tới nên vấn đề này phải tính toán kỹ lưỡng trong đồ án quy hoạch. Hội An phải dự báo được thông số về nước biển dâng, khu vực bị ngập theo từng giai đoạn, từ đó mới quy hoạch được hạ tầng tương thích, hiệu quả.
PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nhận định, ngay từ bây giờ địa phương cần phải có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu chứ không chỉ là đánh giá tác động của nó.
Tùy thuộc dữ liệu đầu vào của quá trình biến đổi khí hậu mà chúng ta sẽ có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sinh thái, thậm chí là phương án quy hoạch các khu tái định cư dự phòng cho tương lai.
Hài hòa trong mối quan hệ vùng
Nhiều ý kiến từ các đại biểu tham dự hội thảo đồng quan điểm, cần làm rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của mối liên kết giữa Hội An với các địa phương trong vùng, nhất là với Điện Bàn - Duy Xuyên - Thăng Bình - TP.Tam Kỳ và TP.Đà Nẵng.
Theo ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng, muốn phát triển nhanh, bền vững thì chỉ có liên kết và có sự đồng thuận trong liên kết theo phương thức đôi bên cùng có lợi.
Cũng trong tương quan vùng này, Hội An cần xác định giá trị nào khác biệt và vượt trội để tạo ra bản sắc riêng của thành phố. Vấn đề liên kết vùng mà Hội An chú trọng nhất vẫn là du lịch.
Ngoài việc là một trong các điểm đến hấp dẫn thuộc tuyến du lịch “con đường di sản miền Trung”, tuyến du lịch này còn được định hướng sẽ liên kết với cố đô Luang Prabang (Lào) và quần thể Angkor Wat (Campuchia) để tạo thành sản phẩm du lịch con đường Đông Dương.
TS-KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hội An phải mở hơn nữa, nhất là trong vấn đề liên kết. Như con đường “hành trình trên miền di sản”, đồ án quy hoạch không nên chỉ gói gọn trong phạm vi Hội An mà cần mở ra Trà Nhiêu - Trà Kiệu - Mỹ Sơn thì mới phát huy hết được giá trị và tận dụng được giao thông đa phương thức.
Các chuyên gia cũng nhận định, mạng lưới giao thông đối ngoại của Hội An hiện chưa đáp ứng yêu cầu liên kết phát triển vùng. Ngay cả liên kết nội vùng giữa phần đất liền và biển đảo của thành phố cũng chưa nổi bật bởi tác động của khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An - Cù Lao Chàm đến di sản này rất lớn, nhất là khi Hội An định hướng phát triển theo hướng “văn hóa - sinh thái - du lịch”.
Nguồn: baoquangnam.vn
Địa chỉ: 127 Bùi Trang Chước, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Điên thoại: 0939 915 179
Email: batdongsanxuanphu@gmail.com
© Bản quyền thuộc về Cty Xuân Phú