Thông tin này được Bộ Tài chính nêu khi triển khai quy định tại Luật Đất đai 2024 liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Phát triển đô thị luôn là vấn đề trọng tâm, được đầu tư mạnh mẽ trên hành trình phát triển Quảng Nam thời gian qua. Đã có những chuyển động khởi sắc và còn đó cả nhiều trăn trở... Tại cuộc họp ngày 22.9 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh để xem xét thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về công tác lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2015 - 2020), nhiều ý kiến đã phân tích, mổ xẻ xung quanh vấn đề này.
Chuyển động bức tranh đô thị
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách các cấp đã dành nguồn lực khá lớn đầu tư phát triển đô thị. Trong đó, ngân sách tỉnh đã phân bổ đầu tư khoảng 5.296/13.173 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư trên địa bàn tỉnh; ngân sách trung ương phân bổ khoảng 1.711/5.268 tỷ đồng (chiếm 32,5% tổng nguồn vốn trung ương phân bổ toàn tỉnh); nguồn vốn nước ngoài trung ương cấp phát đầu tư khoảng 1.829/3.276 tỷ đồng (chiếm 55,8% tổng nguồn vốn phân bổ toàn tỉnh).
Hệ thống giao thông kết nối vùng được đầu tư mạnh mẽ, hình thành hệ thống hạ tầng khung. Đến nay, tất cả địa phương cấp huyện đều có đô thị trung tâm, đã có 11 hồ sơ khu vực phát triển đô thị được UBND tỉnh phê duyệt.
Nhìn chung hệ thống hồ sơ quy hoạch đô thị toàn tỉnh từng bước được hoàn chỉnh từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500.
Nội dung đồ án quy hoạch phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, chiến lược liên quan, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhất là định hướng phát triển đô thị theo quan điểm, chủ trương Tỉnh ủy.
Đến cuối thời kỳ giám sát (năm 2020), Quảng Nam có 19 đô thị được công nhận gồm 1 đô thị loại II (Tam Kỳ), 1 đô thị loại III (Hội An), 1 đô thị loại IV (Điện Bàn) và 16 đô thị loại V. Dù vậy so với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam với tỷ lệ đô thị hóa 26,3%, chỉ cao hơn Quảng Ngãi. Tốc độ tăng trưởng đô thị hóa chỉ đạt khoảng 1,66% trong giai đoạn 2016 - 2020.
Theo ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn tỉnh có lúc chưa kịp thời. Phương thức, cách thức lập quy hoạch xây dựng đô thị của chúng ta hiện đã lạc hậu.
Bức tranh đô thị là hệ quả của trình độ phát triển xã hội của địa phương, đô thị đó chứ không chỉ đầu tư hạ tầng, dân cư là hình thành đô thị. Chúng ta cần quan tâm phát triển các khu chức năng trong khu vực đô thị thì mới có nền tảng phát triển đô thị.
Cần kéo giảm chênh lệch vùng miền
Giai đoạn 2016 - 2020, khu vực vùng Tây chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia các dự án phát triển đô thị, do đó tỷ lệ quy hoạch chi tiết 1/500 ở một số đô thị miền núi rất thấp.
Thị trấn Prao (Đông Giang) có 3 quy hoạch chi tiết, thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) có 2 quy hoạch chi tiết, thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) có 1 quy hoạch chi tiết. Thậm chí một số địa phương như Bắc Trà My, Nam Trà My chưa thu hút được nhà đầu tư nào.
Ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho hay, với các địa phương vùng cao, địa hình phức tạp, xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên việc thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này còn hạn chế, chủ yếu vẫn là đầu tư công. Ngân sách tỉnh và trung ương chủ yếu tập trung đầu tư cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các thị trấn không được hỗ trợ đầu tư từ nguồn lực này.
Còn ông Ngô Ngọc Hùng nói, HĐND tỉnh cần xem xét kiến nghị Trung ương sửa đổi quy định cho phép các đô thị đặc thù được lập quy hoạch chuyên ngành khác nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý quy hoạch. Đô thị đặc thù có thể là Hội An và một số đô thị miền núi. Đơn cử, vừa qua Hội An xin lập 3 hồ sơ quy hoạch chuyên ngành đặc thù nhưng luật hiện tại không cho phép.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, để kéo giảm chênh lệch phát triển đô thị giữa hai vùng, đồng thời nâng cao chất lượng đô thị khu vực động lực vùng Đông của tỉnh, HĐND tỉnh sẽ xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển đô thị, trong đó ưu tiên hỗ trợ các địa phương chưa có thị trấn cũng như một số đô thị có cơ sở hạ tầng còn yếu kém.
Đồng thời tăng cường giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư, nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các đô thị lớn như Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành.
Nguồn: Baoquangnam.vn
Địa chỉ: 127 Bùi Trang Chước, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Điên thoại: 0939 915 179
Email: batdongsanxuanphu@gmail.com
© Bản quyền thuộc về Cty Xuân Phú